Tập đoàn Stadler của Thụy Sỹ muốn tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo cung cấp thông tin liên quan đến dự án khôi phục đường sắt Đà Lạt.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng làm đầu mối liên hệ với Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt theo đề nghị của Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao.
Chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh Lâm Đồng được đưa ra sau khi xem xét Văn bản số 1423/BNG-THKT ngày 4/4/2023 của Bộ Ngoại giao về việc Tập đoàn Stadler (Thụy Sỹ) có nhu cầu tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt.
Tại văn bản này, Bộ Ngoại giao (Vụ Tổng hợp Kinh tế) cho biết, Tập đoàn Stadler (Thụy Sỹ) được thành lập vào năm 1942 và là một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới.
Tập đoàn này chuyên cung cấp các giải pháp vận tải đường sắt toàn diện trong môi trường khắc nghiệt, tàu hỏa dùng công nghệ Hydrogen, với hơn 12.000 nhân viên làm việc tại 18 quốc gia.
Tập đoàn Stadler (Thụy Sỹ) rất ấn tượng với những nỗ lực trong lĩnh vực đường sắt và cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt.
Theo Tập đoàn, việc xây dựng lại tuyến đường sắt này cần có những toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới và Stadler là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao (Vụ Tổng hợp Kinh tế) thông tin đến Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng được biết, chuyển cho các bên liên quan xem xét khả năng hợp tác với Tập đoàn Stadler.
Trong một diễn biến khác, ngày 11/1/2023, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 6/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Tại kết luận này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương và Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP.
Trước đó, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cũng đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Đường sắt Việt Nam Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP.
Theo phương án đề xuất của nhà đầu tư, Dự án đi qua địa phận TP. Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng chiều dài cần thi công khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (bổ sung 2 ga và 2 trạm khách với tuyến cũ).
Dự án bao gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8 km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt. Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt – đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7 km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.
Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 – 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Tổng mức đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là khoảng 24.924 tỉ đồng (không bao gồm lãi vay, chi phí tài chính), Trong đó 2 khoản chi lớn nhất là chi phí xây dựng (4.517 tỉ đồng) và chi phí thiết bị (9.246 tỉ đồng). Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 28.987 tỉ đồng.