Lương 15 triệu đồng/ tháng nên thuê nhà hay mua nhà ở Hà Nội?
Với tâm lý phải an cư rồi mới lạc nghiệp, rất nhiều người đã cố gắng bằng được để mua một ngôi nhà. Tuy nhiên, gần đây cũng có nhiều người lại không mặn mà lắm với việc mua nhà mà chỉ muốn đi thuê. Những người trẻ ở độ tuổi 22-30 cũng vậy, rất nhiều trong số họ có thắc mắc rằng với mức lương trung bình hiện nay ở độ tuổi này (15 triệu/ tháng) thì nên mua hay thuê nhà ở Hà Nội?
ThS. Lê Quỳnh Anh, Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Đại Nam đưa ra góc nhìn về vấn đề này.
Lợi thế và bất lợi trong việc mua và thuê nhà
Ý tưởng về việc sở hữu riêng cho mình một ngôi nhà khiến cho hầu hết mọi người trong chúng ta đều cảm thấy hào hứng và đầy tự hào, nhất là với những người trong độ tuổi đã tốt nghiệp Đại học và đã có công việc để tự chi tiêu trong cuộc sống.
Khi có nhà riêng, mọi người sẽ cảm thấy an tâm hơn, có cơ sở để ổn định lâu dài hơn. Ngoài ra, chủ nhà cũng được thoải mái trang trí nhà cửa, nội thất theo ý mình muốn mà không phải quan tâm đến yêu cầu của bất kỳ ai. Và với rất nhiều người, có nhà riêng đồng nghĩa với sở hữu một tài sản lớn, đánh dấu một thành tựu trong cuộc đời.
Tuy nhiên, sở hữu một ngôi nhà đôi khi cũng mang lại những rắc rối và muộn phiền mà không phải ai cũng biết. Rất nhiều người vì muốn mua được nhà mà thế chấp và vay ngân hàng quá khả năng nên phải chịu đựng những áp lực nặng nề trong việc trả nợ và lãi hàng tháng.
Trong khi đó, có những người lại thích thuê nhà bởi với tính linh động của nó, họ có thể dễ dàng di chuyển đến nơi ở mới. Đồng thời tiền thuê nhà trong ngắn hạn thường không quá cao khiến cho họ không gặp quá nhiều áp lực tài chính. Ngoài ra, việc thay đổi chỗ ở cũng đem lại cảm giác mới mẻ, làm cho cuộc sống thêm phần màu sắc.
Vậy nên thuê hay mua nhà?
Ngoài những yếu tố về yếu tố tâm lý, sở thích và những lợi thế, bất lợi kể trên, yếu tố nguồn vốn ban đầu cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến cho chúng ta có thể xác định được có nên mua nhà hay chỉ thuê nhà để thu được lợi ích cao nhất.
ThS. Lê Quỳnh Anh sử dụng mô hình toán Tài chính cá nhân được xây dựng một cách hết sức bài bản về dễ hiểu, cùng các giả định kinh tế phù hợp để đưa ra câu trả lời.
Giả định gồm:
– Gia đình gồm một cặp vợ chồng với 1-2 người con.
– Mức lương mỗi người trung bình là 15 triệu/tháng, vậy tổng thu nhập là 30 triệu/ tháng. Giả định mức lương này sẽ tăng trung bình 4%/năm.
– Tổng chi phí trung bình chưa kể tiền nhà/tháng là 20 triệu/ tháng.
– Giá trị trung bình của một ngôi nhà ở Hà Nội là 2.5 tỉ.
– Giá trị tiền thuê nhà trung bình là 10 triệu/ tháng. Tiền thuê nhà tăng trung bình theo năm là 1%/năm
– Số năm trả góp nhà trung bình là 30 năm.
– Lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm (mức lãi suất cao hơn so với thời điểm hiện tại, nhưng là mức trung bình của các ngân hàng ở Việt Nam với kỳ hạn này trong giai đoạn 2010 – 2020).
Bằng kết quả của mô hình toán Tài chính cá nhân, Thạc sĩ rút ra kết luận như sau:
Với mức lương 15 triệu/ tháng và không được gia đình hỗ trợ số vốn ban đầu bằng giá trị của căn nhà (2,5 tỉ) thì không nên mua nhà vì sẽ phải trả số tiền gốc và lãi cao hơn rất nhiều so với thu nhập, gây ra sức ép rất lớn về cả mặt tài chính và tinh thần. Vậy, với mức thu nhập và điều kiện như vậy thì thuê nhà sẽ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, với mức lương này nhưng lại được gia đình tài trợ sẵn 2,5 tỉ bằng giá trị căn nhà, các bạn trẻ có thể đầu tư thu lợi bằng nhiều hình thức khác nhau như:
Cách 1: Không mua nhà mà đi thuê, dùng 2,5 tỉ đi gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất trung bình 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng theo hình thức lãi suất kép, tiền thu về sau một năm sẽ được tái đầu tư. Sau 30 năm, hộ gia đình này sẽ thu về 21,226 tỉ đồng.
Cách 2: Dùng toàn bộ 2,5 tỉ đó để mua nhà và sẽ dùng tiền tiết kiệm được hàng tháng để gửi ngân hàng với lãi suất tương tự phương án một. Sau 30 năm, hộ gia đình đó sẽ tích lũy được 16,181 tỷ đồng cùng với giá trị của căn nhà tại thời điểm này.
Cách 3: Dùng 2,5 tỉ này một phần mua nhà trả góp, một phần đem đi gửi ngân hàng (trong trường hợp này là dùng 750 triệu đồng tiền ngân hàng yêu cầu tối thiểu để trả góp lần đầu tiên, dùng 1,75 tỷ đồng còn lại để trả lãi kèm gốc theo năm, số tiền thu nhập tiết kiệm thêm được đem gửi ngân hàng với lãi suất như phương án một). Sau 30 năm, hộ gia đình sẽ tích lũy được 10,741 tỉ đồng cùng với giá trị của căn nhà tại thời điểm này.
Như vậy nếu bạn đang có mức lương trung bình 15 triệu/tháng thì hãy xem xét điều kiện về mức vốn tự có ban đầu của bản thân, cũng như dự đoán giá trị của căn nhà định mua trong tương lai để đưa ra quyết định mua nhà hay thuê nhà và cách thức mua một cách hiệu quả. Đừng vì tâm lý phải có nhà bằng mọi giá lỗi thời mà phải chịu những áp lực tài chính nặng nề cũng hoặc bỏ qua cơ hội đầu tư hiệu quả hơn nhé.
Ngoài ra, khi sử dụng mô hình Tài chính cá nhân này, người dùng có thể thay đổi các biến số về mức lương (VD: 30tr/ tháng, 50 triệu/tháng), giá cả ngôi nhà…. để đưa ra kết quả sát nhất, phục vụ cho việc ra quyết định của bản thân mình.
Tài chính cá nhân không chỉ là một công cụ giúp quản lý chi tiêu, tiết kiệm đơn giản mà còn là một công cụ giúp cho người dùng hoạch định được kế hoạch tài chính hiệu quả, nhằm đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp và mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhất.
Hi vọng bạn đọc đã tìm được cho cho mình phương hướng phù hợp nhất trong lựa chọn có nên mua nhà và thuê nhà ở Hà Nội qua bài phân tích như trên.
ThS. Lê Quỳnh Anh (chia sẻ) – Hường Hoàng (ghi)