Doanh nghiệp môi giới bất động sản rẽ hướng tư vấn du học nghề, mở quán café, spa massage
Ông chủ bất động sản rẽ hướng làm giáo dục, du học nghề, mở quán café, spa massage
Anh Kiều Hùng (Hà Nội) từ một nhân viên môi giới bất động sản của Cenland chuyển sang làm tư vấn du học Đức. Anh Hùng là một trong hàng trăm nghìn nhân viên môi giới bất động sản phải chuyển sang lĩnh vực khác bởi giao dịch nhà đất “bất động” nhiều tháng nay.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9 có 3.237 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng có thời hạn, là ngành có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Đất Xanh – Tập đoàn có thị phần môi giới bất động sản lớn nhất cả nước phải cắt giảm hơn 1/3 nhân sự (1.382 người) trong nửa đầu năm nay.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp môi giới bất động sản phải tự tìm lối thoát cho mình khi thị trường được dự báo chưa thể ấm lại trong ngắn hạn.
Tháng 6/2023, Cenland – một doanh nghiệp môi giới bất động sản top đầu thông báo ra mắt dịch vụ mới đó là tư vấn du học nghề ở Đức. Mảng kinh doanh này được thực hiện thông qua Cen Academy – một trung tâm đào tạo kỹ năng bán hàng bất động sản thành lập năm 2021.
“Đây là long mạch mà chúng tôi tìm thấy trong khó khăn. Tập đoàn đang chuyển đổi cực kỳ mạnh mẽ sang lĩnh vực du học nghề ở Đức”, ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch HĐQT CenLand chia sẻ về lĩnh vực mới mà tập đoàn này tích hợp vào Cen Academy.
Theo ông Hưng, giữa thời điểm mà doanh thu của công ty chỉ là “những mẩu vụn vặt rất nhỏ” so với thời kỳ cực thịnh, có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, CenLand đã tự mở đường sống cho mình bằng dịch vụ cung ứng lao động có tay nghề ở châu Âu, trọng tâm là thị trường Đức.
Giữa lúc sóng gió bủa vây những người làm bất động sản, anh Kiều Hùng cũng như hàng trăm nhân viên khác chọn ngã rẽ “du học Đức” để mưu sinh đến khi có thể quay trở lại thị trường khi giao dịch nhà đất sôi động trở lại. Ngay cả với giới chủ, Shark Hưng hay ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cengroup cũng xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện giáo dục, du học trong giai đoạn gần đây.
Ở vị thế nhỏ hơn CenLand rất nhiều, một doanh nghiệp bất động sản khác là Phúc Vương Land – đơn vị môi giới các sản phẩm BĐS cũng bắt đầu quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực du học nghề tại Đức từ quý I năm nay và đã tiến hành khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 7. CEO Phúc Vương Land là ông Nguyễn Đạt Phúc, liên tục xuất hiện trên hệ thống fanpage để giới thiệu dịch vụ du học nghề Đức.
CenLand hay Phúc Vương Land nằm trong số hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đang phải gồng gắng hoạt động bằng những hướng đi mới. Đầu tháng 9, Big Invest Group – một công ty trong lĩnh vực bất động sản mở cửa hàng café và spa massage tại tầng trệt của các tòa nhà để tăng cường dòng tiền cho doanh nghiệp với việc thử nghiệm tại Huế và Lào Cai.
Những trở ngại của “người mới”
Tìm mọi cách xoay sở đề tồn tại nhưng những ông chủ bất động sản đều đang phải đối mặt thách thức chung. Khi sức mua của nền kinh tế yếu, khó khăn không của riêng ai.
“Chúng tôi có lợi thế là có nhiều mối quan hệ với khách hàng đầu tư để có thể thuê hoặc mượn được những bất động sản có vị trí đẹp nhưng phải mất tiền đầu tư cơ sở ban đầu, rồi concept để kinh doanh bắt khách thực sự khá khó khăn. Rất nhiều hàng quán, doanh nghiệp đóng cửa trả mặt bằng. Nên những người mới nhìn đâu cũng thấy khó”, một giám đốc sàn môi giới nhà đất tại Bình Dương nói.
Những nhân viên môi giới bất động sản có kinh nghiệm về bán hàng, lợi thế mạng lưới quan hệ rộng nhưng khi rẽ sang những ngành nghề sân chơi mới đòi hỏi phải bổ sung kiến thức, thông tin về lĩnh vực, thị trường hoạt động, thậm chí đó là những kiến thức, thông tin chuyên ngành.
Ở cấp độ doanh nghiệp, với Cengroup, hướng phát triển nguồn nhân lực cho thị trường Đức không mấy dễ dàng.
“Các đặc điểm của thị trường lao động ở Đức đã thu hút sự quan tâm rất lớn của học sinh và phụ huynh. Có lẽ chính các lý do trên mà nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tới Đức nhiều hơn”, TS. Lê Đức Dũng – một người có kinh nghiệm 15 năm hỗ trợ du học Đức, từng tốt nghiệp đại học và tiến sĩ, làm việc tại quốc gia châu Âu này chia sẻ.
Theo TS. Lê Đức Dũng, các thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã bắt đầu bão hoà, nhu cầu ít hơn trước. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du học, xuất khẩu lao động cũng đã chuyển hướng sang thị trường Đức để tận dụng cơ sở hạ tầng và nhân lực mình đang có.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì khác biệt rất lớn giữa thị trường lao động châu Á và Đức. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhận cả lao động phổ thông với các tiêu chuẩn thấp hơn, thời gian chuẩn bị để xuất khẩu lao động tới các nước trên thường ngắn hơn và có xu hướng tuyển dụng số lượng lớn. Thị trường Đức lại khác và có thể xem là “cao cấp”. Với các doanh nghiệp chuyển đổi, khó khăn gặp phải là thiếu thông tin về thị trường, chưa có nhiều các mối hợp tác với doanh nghiệp tại Đức.
TS. Lê Đức Dũng nói thêm, Đức không nhận lao động phổ thông không có bằng cấp nghề, phần lớn chỉ nhận học sinh sang du học nghề và số lượng cũng khá khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sang thị trường Đức nhưng vẫn làm việc với suy nghĩ như thị trường châu Á, do đó việc tư vấn cho học sinh và phụ huynh còn có nhiều thông tin không chính xác, làm cho phụ huynh và học sinh có nhiều hiểu nhầm và tự tạo ra những áp lực không đang có, và tệ nhất là sự chuẩn bị cho quá trình du học không đến nơi đến chốn.
Theo ông Dũng, rất nhiều học sinh đã không được chuẩn bị tốt từ trang bị ngôn ngữ cho đến văn hoá làm việc, tính kỷ luật, kinh nghiệm hòa nhập xã hội. Khi sang Đức một thời gian thì các học sinh này đã gặp rất nhiều khó khăn trong học tập làm việc và hoà nhập, không ít các bạn đã bị cắt hợp đồng, bị đuổi về nước vì không học được, vì vô tình hay cố ý mà vi phạm các quy định của doanh nghiệp, vi phạm pháp luật…
Theo Vietnambiz