“Đại gia” vật liệu xây dựng nợ hơn 14.000 tỉ, tài sản chạm mốc tỉ USD
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, nợ phải trả của Viglacera xấp xỉ 14.092 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ đi vay là 4.040 tỉ đồng.
Mảng bất động sản hụt hơi khiến lợi nhuận Viglacera lao dốc tới 80%
Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với kết quả không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý 1, doanh thu thuần của Viglacera đạt gần 2.775 tỉ đồng, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, doanh thu thuần từ việc bán hàng giảm 43% về 1.568 tỉ đồng với sự giảm sút chủ yếu đến từ mảng bất động sản.
Ngoài ra, doanh thu tự bán hàng các sản phẩm kính gương, gạch ngói hay thiết bị vệ sinh và phụ kiện cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Tại quý 1/2023, Viglacera cũng không ghi nhận doanh thu từ hợp đồng xây dựng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 42 tỉ đồng.
Điểm sáng trong giai đoạn này đến từ mảng cung cấp dịch vụ, chủ yếu từ việc cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng với doanh thu hơn 1.094 tỉ, tăng 16% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của Viglacera, doanh thu mảng kinh doanh nhà ở thương mại quý đầu năm bị sụt giảm mạnh, còn lĩnh vực vật liệu xây dựng gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm khiến doanh thu thuần của công ty đi xuống.
Trừ đi các chi phí, Viglacera báo lãi sau thuế 151 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Viglacera đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 15.750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.210 tỉ đồng. Như vậy sau quý đầu năm, Viglacera mới chỉ thực hiện được 18% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Viglacera tăng gần 360 tỉ đồng so với đầu năm lên 23.318 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn ở mức 2.177 tỉ đồng, chiếm gần 1/10 tổng tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty là 1.391 tỉ đồng, hàng tồn kho hơn 4.463 tỉ, lần lượt tăng 17% và 5% so với đầu năm.
Cuối quý 1/2023, Viglacera đang ghi nhận 5.952 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, với khoảng 1.317 tỉ đồng tại dự án khu công nghiệp Yên Mỹ.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera xấp xỉ 14.092 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ đi vay là 4.040 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng công ty còn ghi nhận hơn 2.726 tỉ đồng doanh thu chưa thực hiện, phần lớn là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới.
Bộ Xây dựng sẽ thoái hết vốn tại Viglacera trong năm 2023
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nộp tiền về ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP, Tổng Công ty CP Sông Hồng, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp).
Giai đoạn 2024-2025, thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng – CTCP và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama).
Với kế hoạch thoái vốn tại Viglacera, Bộ Xây dựng dự kiến giá trị thu về, nộp ngân sách Trung ương là hơn 5.800 tỉ đồng. Giá trị nguồn thu dự kiến nêu trên là giá trị dự kiến thực hiện theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 11/2022 tại thời điểm báo cáo, chưa tính đến điều kiện thị trường không thuận lợi, gặp khó khăn, vướng mắc.