Đề xuất đổi hướng tuyến đường sắt cao tốc “tỉ đô” TP.HCM – Cần Thơ song song Vành đai 3
Chuyên gia đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ theo Đường Vành đai 3 thay vì theo vành đai 2 như phương án ban đầu để tiết kiệm chi phí.
Ý kiến được đưa ra tại hội thảo do Viện Nghiên cứu vùng và đô thị thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM vừa được tổ chức mới đây.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Trình đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc đoạn qua TP.HCM và Bình Dương đi song song về bên trái Vành đai 3
Theo đó, điểm đầu tuyến ở ga An Bình, sau đó theo hành lang đã quy hoạch đến ga Dĩ An, Bình Chuẩn rồi rẽ trái đi theo Vành đai 3 đến gần cao tốc Bến Lức – Long Thành. Từ đây, tuyến đi về Cần Thơ theo quy hoạch cũ. Phương án này được cho sẽ tạo tiềm năng lớn để phát triển các khu đô thị mới, góp phần phát triển giao thông công cộng.
Nhóm nghiên cứu nhận định phương án này sẽ giúp giảm vốn đầu tư dự án trong đó tiết kiệm được phần lớn chi phí GPMB. Theo đó, chỉ phải mở rộng thêm khoảng 20 m bên cạnh tuyến vành đai 3, tránh các khu dân cư, đô thị đông dân cư. Phương án sẽ giúp hình thành mạng lưới đường bộ, sắt đồng bộ – là điều kiện thích hợp cho phát triển đô thị theo định hướng phục vụ giao thông công cộng (mô hình TOD).
Được biết, theo phê duyệt hiện tại, đoạn tuyến đường sắt cao tốc đi qua TP.HCM dài 33 km, đi song song bên trái Vành đai 2. Chuyên gia chỉ ra, sau nhiều năm quy hoạch, dự án chưa được triển khai trong khi dọc Vành đai 2 TP.HCM đô thị đã phát triển mạnh. Đây sẽ là trở ngại rất lớn để giải phóng mặt bằng khi làm đường sắt cao tốc, về cả chi phí và thời gian.
“Hai đoạn chưa khép kín thuộc tuyến vành đai 2 qua TP.Thủ Đức, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng gần 12.000 tỉ đồng. Mức này cao hơn nhiều lần giá đền bù Vành đai 3”, ông Trình lấy dẫn chứng.
Lắng nghe ý kiến của nhóm nghiên cứu, TS Phạm Hoài Trung, Viện phó Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) đánh giá cao ý tưởng mới nhưng yêu cầu nghiên cứu kỹ, có so sánh về mặt lý thuyết về giảm chi phí mặt bằng, đưa ra con số cụ thể.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ GTVT cũng chỉ ra phương án quy hoạch theo hướng tuyến cũ đã được phê duyệt, việc thay đổi hướng tuyến sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý quy hoạch của địa phương. Cùng với đó, hướng tuyến mới phải cập nhật, đối chiếu với quy hoạch các ga dự kiến của quy hoạch tỉnh để làm sao kết nối tốt.