Nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực “săn hàng” sau dịch
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19.
Theo dự báo của ông Quyền, giai đoạn từ 1/10 đến 17/1/2022 sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại của giá đất, khoảng 5-10%; giai đoạn 2 từ 18/1/2022 đến 15/2/2022; giai đoạn nghỉ ngơi sẽ rơi vào Tết Nguyên Đán.
Từ 16/2/2022 đến 31/3/2022 sẽ là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10-15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán và có thể đổ vào bất động sản. Trong đó, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng.
“Giai đoạn cuối cùng khoảng 120 ngày, có tâm thế giằng co và dự báo nhích nhẹ khoảng 5%. Đây là giai đoạn quyết định sự ấm lên của thị trường là bao nhiêu. Sự giằng co lệch về bên nào thì sự tăng trưởng sẽ nhiều hay ít”, ông Quyền nhận định
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, điểm sáng của quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn BĐS là kênh đầu tư lâu dài, đa dạng hóa để bảo toàn giá trị tài sản.
Về nguồn cung mới quý cuối năm, toàn bộ khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 – 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, Tp.HCM và Bình Dương dẫn đầu với khoảng 2.000 – 3.500 căn tùy điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý 1/2021 (lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng).
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, do càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.
Ghi nhận cho thấy, thị trường bất động sản hạ nhiệt do dịch, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều nhà đầu tư tháo chạy nhưng ở chiều ngược lại, một bộ phận khác lại tranh thủ gom bất động sản chờ đợt sóng mới. Sau khi các tỉnh nới giãn cách, hoạt động BĐS trở lại gần như nhanh hơn dự đoán. Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào BĐS lúc này.
Họ có thể đi săn “hàng ngộp” trong dịch nhưng số lượng hàng ngộp này thực tế không nhiều. Cũng theo ông Kiệt, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay người dân có thu nhập cao, khi đại dịch xảy ra, dòng vốn không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên họ có xu hướng rót tiền vào bất động sản vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong lâu dài.
Theo Nhịp sống kinh tế