Tới năm 2025, Việt Nam cần gần 300 nghìn căn nhà ở xã hội

Chia sẻ tin này:

Theo văn bản số 4430/BXD-QLN của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Trong đó, số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp: 178 dự án với quy mô xây dựng khoảng 140.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng; dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng. Đây là các dự án đang triển khai thực hiện nhưng hầu hết chậm tiến độ do thiếu vốn, đặc biệt là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc.

Để tháo gỡ những khó khăn, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng, bao gồm 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Còn gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau vay ưu đãi như: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp; Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Minh Tâm

Theo Tổ Quốc

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm